Những chú ý khi cấp thuốc qua đường miệng: Một số loại thuốc có thể hấp thu nhanh ở loài này nhưng hấp thu chậm ở loài khác. Qua điều trị thực tế cho thấy các thuốc trị giun sán như albendazole, fenbendazole chỉ cần dùng 1 liều duy nhất ở trâu bò ngựa dê cừu do các thuốc này tạo được tác động kéo dài trong ống tiêu hóa nhưng đối với gia cầm, heo, chó mèo thì cần phải dùng lập lại để duy trì tác động loại bỏ ký sinh trùng đường tiêu hóa. Sinh khả dụng qua đường uống của thuốc cũng khác nhau ở từng loài động vật được chỉ định dùng thuốc. Nghiên cứu về sinh khả dụng qua đường uống của amoxicillin ở các loài động vật, nhiều tài liệu công bố sinh khả dụng thay đổi rất lớn theo loài: Ở cá từ 1-3%, ngựa là 5%, ở heo từ 28-33%, ở gia cầm từ 59-68%, ở chó mèo từ 60-80%, và ở người đến 90%. Sự khác biệt này có thể là do chiều dài và thể tích đường tiêu hóa ở các loài động vật khác nhau dẫn đến khả năng hấp thu và chuyển hóa thuốc khác nhau. Ngoài ra thức ăn cũng có thể tác động đến hiệu quả sử dụng của thuốc . Có thuốc cần uống khi ăn , có thuốc cần uống xa bữa ăn để bảo đảm được hiệu quả điều trị. Những thông tin sau được biên dịch từ tài liệu của Akos Jerzsele (Szent Istvan University- Hungary) có thể hữu ích cho người chăn nuôi.
Ngựa: Hầu hết kháng sinh khi dùng cho ngựa qua đường uống đều bị giảm hấp thu bởi thức ăn, do vậy đối với ngựa, cấp thuốc qua đường tiêm chích là phương pháp ưu tiên được lựa chọn, trong đó tiêm bắp hiệu quả hơn tiêm dưới da. Nếu dùng thuốc qua đường uống, không cho ngựa ăn trước đó 2- 4 giờ. Sinh khả dụng của thuốc uống ở ngựa thay đổi theo tuổi. Nghiên cứu sinh khả dụng của Cefadroxil (cephalosporin thế hệ 1) qua đường uống ở ngựa sơ sinh là 100%, nhưng ở 5 tháng tuổi chỉ còn 15%.
Trâu bò: Hệ vi sinh vật dạ cỏ có thể tác động đến hầu hết các loại thuốc khi dùng qua đường uống. Các nghiên cứu cho thấy enzym urease do vi khuẩn dạ cỏ tiết ra biến urea thành ammonia đã làm tăng độc tính của urea khi nhiễm ở trâu bò cao hơn so với heo; Hoặc vi khuẩn dạ cỏ có khả năng chuyển hóa Netobimine (dạng không hoạt tính của albendazole) thành albendazole sulphoxide (có hoạt tính) giúp tăng hiệu quả điều trị của các thuốc trị giun sán ký sinh. Đối với động vật nhai lại, kháng sinh có thể tác động đến hệ vi sinh vật dạ cỏ làm xáo trộn hệ vi sinh vật ổn định đã được thiết lập, và ngược lại kháng sinh cũng có thể bị giảm hoạt tính do khối lượng lớn của dịch dạ cỏ chứa nhiều loại vi khuẩn và protozoa đã làm pha loãng và bất hoạt kháng sinh. Do đó kháng sinh chỉ dùng qua đường uống chỉ thích hợp cho bê nghé dưới 6 tháng tuổi.
Chó mèo: là động vật ăn thịt, pH dịch vị tiết ra khi cho ăn rất mạnh (pH= 1-2) có thể tác động đến nhiều dược chất. Do vậy đa phần thuốc dùng uống ở chó, mèo được sử dụng khi chúng đã ăn no, lúc này pH dịch vị đã tăng do pha loãng với thức ăn (pH = 5-6 ) phù hợp cho sử dụng nhiều loại thuốc, điển hình là các thuốc ức chế bơm proton (PPI) các thuốc kháng viêm non –corticoid (NSAID). Tuy nhiên, ngược lại cũng có các loại thuốc cần có pH mạnh để tăng tác dụng như Ketoconazole, nên được dùng khi cho ăn. Sự hiện diên của thức ăn cũng làm giảm tác dụng của một số hoạt chất nên cần giảm lượng thức ăn khi điều trị hoặc dùng xa bữa ăn như ampicillin, oxytetracycline, chlortetracycline, cimetidine … Dạng bào chế cũng tác động lên sinh khả dụng của thuốc. Các nghiên cứu dược động học cho thấy ampicillin ở 3 dạng bào chế khác nhau là suspension, dung dịch lõng và dạng viên có sinh khả dụng qua đường uống tương ứng là 77%, 68% và 64%.
Heo: Cấp thuốc qua đường miệng rất phổ biến. Tuy nhiên cần chú ý một số thuốc không hấp thu qua đường tiêu hóa (colistin, một số kháng sinh nhóm beta-lactam và kháng sinh nhóm aminosid- ngoại trừ apramycin hấp thu 25-30%) chỉ tác động đến các vi khuẩn trong lòng ruột, do đó khi điều trị bằng đường uống cần kết hợp với một thuốc có sinh khả dụng tốt để tạo được tác dụng nhiễm trùng toàn thân. Ở heo, sự thủy phân của acid dịch vị và tác động của hệ enzyme tiêu hóa đường ruột mạnh nên nhiều kháng sinh bị phân hủy, dẫn đến khả năng hấp thu của nhiều loại thuốc khi dùng qua đường miệng ở heo chỉ bằng khoảng một nửa so với gia cầm.
Gia cầm: Do tổng đàn nuôi lớn nên cấp thuốc qua đường nước uống hoặc trộn vào thức ăn là phương pháp được sử dụng phổ biến hơn đường tiêm chích. Ngoài ra, nhiều loại thuốc có giá trị sinh khả dụng qua đường uống tương đương như tiêm bắp: Ở vịt, sinh khả dụng marbofloxacin qua đường uống là 81%, tiêm bắp và 87%. Ở gà, sinh khả dụng của amoxicillin qua đường uống là 61% và tiêm bắp là 77%. Các nghiên cứu này cho thấy có nhiều loại kháng sinh dùng cho gia cầm qua đường miệng cũng tạo được hiệu quả như qua đường tiêm chích mà không cần phải tăng liều sử dụng.
Từ những khác biệt trong sinh khả dụng của các hoạt chất đối với từng loài vật nuôi như vừa nêu, khi cấp thuốc cho vật nuôi qua đường miệng người nuôi cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
ThS. Nguyễn Ngọc Phú Vinh - Trung tâm R&D Vemedim.